Start-up nội bỏ quên phân khúc du lịch giá rẻ

February 14, 2022 - BY Admin

Phân khúc du lịch giá rẻ đang được các chuyên gia đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho các start-up. Thế nhưng, các start-up trong nước vẫn chậm chân trong việc chiếm lĩnh thị trường này.

Start-up ngoại ở “kèo trên”

Hiện nay các tên tuổi đình đám đang khai thác phân khúc giá rẻ trong ngành du lịch ở trong nước lại là các start-up nước ngoài. RedDoorz của Singapore và OYO của Ấn Độ, hai start-up ngoại mới nổi này đang cùng nhau chia thị phần ở phân khúc khách sạn bình dân trong nước. RedDoorz có tỷ lệ lấp đầy đạt 75%, với giá thuê phòng thấp nhất từ 249.000 đồng/đêm tại Việt Nam. OYO, không kém cạnh đã kết nối với hơn 90 khách sạn tại 6 thành phố. Ngoài hai start-up này, Airbnb cũng đã khai thác được phân khúc bình dân từ lâu. Các start-up này không chỉ nắm giữ lượng khách du lịch đến từ nước ngoài mà còn chiếm được niềm tin của người du lịch trong nước. Họ chỉ cần sử dụng ứng dụng di động là có thể chọn đặt được dịch vụ mình muốn.

Theo thống kê, 35% trên tổng số người tải ứng dụng về điện thoại là để tìm kiếm chuyến bay hoặc khách sạn và 27% dùng ứng dụng để đặt các dịch vụ này (Travelport Digital). Theo ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam, “làn gió công nghệ” có thể mang lại một hình thái mới cho phân khúc du lịch bình dân, mở rộng thị phần đến người du lịch từ xa. Đây là cơ hội lớn cho các start-up từ nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia vào thị trường du lịch với lợi thế chi phí đầu tư thấp của phân khúc này.


Hiện nay, xu hướng du lịch tự túc đang gia tăng và người đi du lịch kiểu này chỉ chọn những dịch vụ bình dân. Các chuyên gia cũng cho rằng hầu hết các start-up tham gia vào ngành du lịch mới chỉ đủ sức tập trung vào phân khúc bình dân. Theo ông Đào Quang Thuận, CEO của BedLinker, một số start-up cũng kinh doanh kết nối khách sạn theo mô hình của OYO & Reddoorz như AHArooms, 7S, Manmo và sắp tới có một vài đơn vị nữa đang muốn nhảy vào. AHARooms không chỉ kết nối người đặt phòng với các khách sạn và nhà nghỉ bình dân, họ còn quản lý tiêu chuẩn vệ sinh và phân chia giá phòng theo tiện nghi tùy chọn. Chuỗi lưu trú làm việc với các start-up này phải đáp ứng được tiêu chuẩn đã giao ước trước. Ngoài dịch vụ lưu trú, họ còn bán được các dịch vụ lẻ đi kèm thay vì khách phải trả trọn gói cho các dịch vụ mà họ không sử dụng như trước. Ứng dụng Manmo thì mang lại các chọn lựa khách sạn bình dân dựa trên bản đồ di chuyển của khách và luôn có chương trình khuyến mãi, có khi lên đến 30%. Manmo cũng rao dịch vụ lưu trú tính theo giờ.

Chưa tấn công sâu được vào thị trường

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, các start-up trong nước chưa tạo được dấu ấn trên thị trường này. Theo ông Lý Đình Quân, Tổng giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, các start-up du lịch Việt Nam chỉ mới nở rộ hai năm gần đây nên thời gian chưa đủ chín để trưởng thành và đủ sức cạnh tranh. Số lượng start-up chưa đủ nhiều để tác động vào thị trường hiệu quả, dù đã có một số start-up phát triển tích cực như V.E.O, Xper, Làng du lịch Khmer Trà Vinh, Huế Lotus... Trong số 44 dự án do trung tâm ươm tạo trong vòng ba năm tại Đà Nẵng, TPHCM và Hà Nội, có được 10 dự án khởi nghiệp du lịch gọi vốn thành công.

Ngoài các dịch vụ kết nối phòng và tour, các start-up chưa tham gia sâu vào các mảng khác trong ngành du lịch hay tận dụng được công nghệ để giảm giá sản phẩm. Ngay cả dịch vụ di chuyển trong nước cũng rơi vào tay các công ty như Grab. Khách nước ngoài đến Việt Nam cũng có thể sử dụng Grab như ở nước họ. Chương trình bán tour ở phố Tây Bùi Viện vẫn ăn nên làm ra mà không cần sử dụng công nghệ như các start-up. Trong khi đó, chương trình bán tour, vé máy bay... đình đám vẫn là của nước ngoài như Booking.com và Agoda.


Các chương trình du lịch khác, như du lịch khám chữa bệnh, đang được quảng bá rầm rộ nhưng không đủ hấp dẫn để mời gọi start-up cùng tham gia. Theo ông Thuận, du lịch khám chữa bệnh đã được triển khai vài năm nay nhưng chỉ mới có các đơn vị xúc tiến du lịch của nhà nước làm. “Theo tôi, du lịch khám chữa bệnh rất khó đưa vào phân khúc giá rẻ. Thường khách đi du lịch theo dạng này thì phải là người có tiền”, ông nhận định. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình triển khai thực tế nên đến nay vẫn chưa thể phát triển được tốt.

Theo ông Thuận, “90% cơ sở lưu trú tại Việt Nam rơi vào phân khúc giá rẻ. Đây là phân khúc dễ mua, dễ bán. Thế nên, đây vẫn là miếng bánh có tiềm năng lớn”. Tuy đối tượng khách hàng của phân khúc này tương đối dễ tính nhưng họ lại không hài lòng với các dịch vụ manh mún và tự phát. Hiện nay, dịch vụ bình dân chưa chuẩn mực và không có tính nhất quán. Điều này dẫn đến trải nghiệm của khách du lịch trong phân khúc giá rẻ vẫn chưa tốt.

Để khai thác được phân khúc này và tăng quy mô kinh doanh thì start-up phải giải quyết được hai vấn đề chính. Trước tiên, phải tiêu chuẩn hóa dịch vụ của phân khúc giá rẻ mà họ chọn như cách mà AHARooms hay 7S làm. Kế đến, phải xây dựng được hạ tầng công nghệ phân phối trực tuyến trên bình diện toàn cầu. Thường khách du lịch ở phân khúc này ít khi trả giá vì thật ra giá cả rất phù hợp với túi tiền và chất lượng. Họ sẽ đặt dịch vụ ngay khi tìm được sản phẩm mong muốn, chứ không gọi điện lui tới để trả giá, khi có đủ thông tin minh bạch. Thế nên mới có chuyện OYO và Reddoorz bán phòng từ xa mà vẫn đắt khách. Do đó, các start-up có thể khai thác công nghệ phân phối trực tuyến để thâm nhập sâu hơn vào thị trường. Điều quan trọng vẫn là cách làm và phải làm thật nhanh trước khi nhường miếng bánh béo bở này cho start-up ngoại.

Ông Quân cho rằng cần phải có sự vào cuộc đồng bộ giữa doanh nghiệp trong ngành, các cơ quan trong ngành và start-up để tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp trong ngành mới tạo được động lực giúp các start-up tham gia vào ngành mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, những thành phố có tiềm năng du lịch lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh... cũng cần có đề án tổng thể cấp quốc gia để thúc đẩy du lịch thông minh, sử dụng công nghệ như đòn bẩy. Ngoài ra, cần có hỗ trợ từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng doanh nghiệp hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp thì mới mong khởi nghiệp cất cánh.

Nguồn: brandsvietnam

Mỹ Huyền
* Nguồn: Saigon Times